Từ lâu, tính cách Nhật Bản luôn được thế giới ngưỡng mộ và trân trọng. Đó là những con người cần cù, có tinh thần trách nhiệm cao, khiêm nhường và luôn luôn giữ chữ tín. Đặc biệt, người Nhật luôn có ý thức tập thể cao và tôn trọng thứ bậc trong xã hội. Vì vậy, nếu chuẩn bị đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc, việc tìm hiểu về văn hóa – phong tục của những con người nơi đây thật sự cần thiết. Một trong số đó là văn hóa ứng xử nơi công cộng. Nếu bạn không muốn lâm vào tình cảnh bối rối, hãy theo dõi thật kĩ những thông tin dưới đây:
1. Ứng xử khi đi thang cuốn:
Ở Nhật thang cuốn được chia thành 2 bên, một bên được đứng yên, một bên phải di chuyển lên/xuống như đi thang bộ bình thường. Nếu bạn đi Tokyo thì khi đi thang cuốn, bạn phải đứng về phía bên trái, bên phải dành cho người đi lên/xuống. Còn nếu bạn đi Osaka thì ngược lại. Vì vậy, bạn nhớ là không bao giờ được đứng dàn ngang cả 2 hàng trên thang cuốn. Để sử dụng thang cuốn, bạn phải xếp hàng ngay ngắn theo thứ tự. Điều này được áp dụng ở tất cả mọi nơi, từ nhà ga, bến tàu, đến các khu mua sắm, tham quan… Ngoài ra, cũng không nên đứng tụ tập, họp nhóm ở hai đầu thang cuốn, gây tắc nghẽn lối lên xuống của những người xung quanh. Nếu cảm thấy chưa quen, bạn cứ nhìn và làm theo người đi phía trước mình là ổn.
2. Ứng xử khi đi thang máy:
Ở Nhật, về cơ bản, thang máy ở các sân bay, ga tàu…chỉ để phục vụ cho người già, em bé, người có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, hoặc khó khăn trong việc đi lại. Nếu bạn không nằm trong nhóm này thì nên sử dụng thang bộ hoặc thang cuốn. Một số nơi có loại thang máy dành riêng cho người đi xe lăn hoặc xe đẩy em bé. Vì vậy, nếu muốn sử dụng thang máy bạn cần quan sát biển hiệu trên thang máy cho chính xác. Khi chờ thang máy, bạn cần xếp hàng theo thứ tự, đứng dạt về hai bên để chừa lối ra cho người từ trong thang máy đi ra. Sau đó, bạn chờ cho những người trong thang máy ra hết hẳn mới bắt đầu bước vào. Tuyệt đối không chen lấn dù bạn có vội như thế nào đi nữa.
3. Ứng xử khi đi tàu:
Ở Nhật, đặc biệt là Tokyo hay Osaka, tàu điện là phương tiện giao thông chính. Nếu chưa từng sử dụng loại phương tiện giao thông này, bạn cần chú ý và tuân thủ các quy định khi đi tàu để mọi thứ được suôn sẻ. Trước nhất là phải xếp hàng khi chờ tàu, khi tàu đến phải đứng dạt ra hai bên cửa để nhường lối cho người trên tàu xuống hết hẳn mới bắt đầu lên tàu. Khi lên tàu rồi phải cố gắng đứng hẳn vào phía trong, không đứng ngay ở lối vào. Trên mỗi toa tàu đều có khu vực ghế ưu tiên (cho người già, phụ nữ mang thai, người đi lại khó khăn hay đi cùng em bé). Bạn không được ngồi vào khu vực này. Trường hợp tàu trống, bạn có thể ngồi nhưng phải nhường ghế nếu thấy người trong nhóm được ưu tiên lên tàu.
Ngoài ra, khi lên tàu, bạn sẽ được yêu cầu tắt điện thoại nếu đứng trong khu vực ưu tiên này. Trên thực tế, không ai tắt điện thoại cả. Nhưng tất cả đều hạn chế nói chuyện điện thoại trên tàu, họ nhắn tin là chủ yếu. Trên những chuyến tàu ở Nhật, không khí yên ắng đến nỗi người ta cứ nhầm tưởng có quy định không được nói chuyện trên tàu. Nhưng thực ra chỉ vì họ thường đi một mình, hoặc chỉ nói vừa đủ cho nhau nghe mà thôi. Bạn có thể nói chuyện thoải mái trên tàu, chỉ là đứng quá to tiếng mà làm phiền đến những người xung quanh. Hạn chế ăn uống trên tàu, nếu đói quá bạn có thể ăn một cái gì đấy gọn nhẹ, không làm vương vãi, mất vệ sinh, và không có mùi khó chịu.
4. Ứng xử khi đi siêu thị:
Tính kỷ luật của người Nhật rất cao, vì vậy, không chuyện người Nhật ăn cắp vặt khi mua đồ tại các siêu thị. Vào các siêu thị tại Nhật, bạn không phải gửi túi xách trước khi vào. Bạn có thể thoải mái đem balo, túi xách vào tất cả các siêu thị. Bạn có thể thử thả lựa chọn những thứ mình thích trước khi trả tiền. Tuy nhiên, một khi đã đến quầy tính tiền rồi thì tránh cà kê, bàn bạc xem có nên mua cái này cái kia không, hay gọi nhau í ới lấy thêm gì đấy vào tính tiền luôn… Điều này sẽ gây phiền toái cho người tính tiền và cả những người mua hàng khác. Đây là việc người Nhật tối kỵ và đánh giá là rất mất lịch sự. Do vậy, hãy cân nhắc và quyết định xong xuôi hết rồi hãy đến quầy tính tiền. Lưu ý là khi vào siêu thị hay lúc ra quầy thanh toán, bạn đều phải xếp hàng trật tự.
5. Ứng xử ở nhà hàng/quán ăn:
Dù ở tại thủ đô Tokyo, hầu hết các quán ăn, kể cả nhà hàng tại Nhật đều nhỏ hẹp. Cộng thêm chi phí nhân công đắt đỏ nên ở nhiều nơi, người ta chỉ đặt máy bán vé suất ăn trước cửa tiệm, chứ không phải vào ngồi xong mới gọi món. Ở những nơi thế này, bạn cần xem menu trên máy, bỏ tiền vào mua phiếu ăn, sau đó đem phiếu vào giao cho nhân viên để họ chuẩn bị món ăn đó cho bạn. Ở một số nơi khác, bạn tự lấy đồ ăn, sau đó ra quầy tính tiền xong rồi mới tìm bàn ngồi ăn. Lưu ý, với những nơi này bạn lưu ý phải suy nghĩ chọn món xong mới xếp hàng vào lấy món ăn. Tránh việc đứng tẩn ngẩn tần ngần trước quầy đồ ăn suy nghĩ xem ăn món gì. Ở nhiều nơi, chẳng hạn như các tiệm ăn nhanh, tiệm cafe, sau khi ăn xong bạn phải tự dọn bàn ăn sạch sẽ, đem khay ăn trả lại cho nhà hàng. Hầu hết ở các tiệm ăn, nếu muốn trả tiền và rời đi, bạn phải đem hóa đơn đến quầy thâu ngân để thanh toán (thường nằm ở cửa ra vào). Ở Nhật không có văn hóa trả tiền tip, vì vậy bạn chỉ cần thanh toán đủ số tiền được ghi trên hóa đơn.
Khi đến Nhật, đừng ngạc nhiên khi thấy những con đường, những công viên sạch sẽ đến bất ngờ dù các thùng rác công cộng xuất hiện khá ít ỏi. Điều này một phần vì lý do an ninh, một phần vì việc phân loại rác ở Nhật rất chi tiết (nhiều khi là phức tạp, ngay cả đối với người Nhật). Một thói quen của người Nhật (đa phần là phụ nữ) mà bạn nên học theo khi sang Nhật, đó là luôn đem theo người một túi nilon nhỏ để đựng rác. Nhưng nói chung, ở mỗi nhà ga đều có ít nhất một khu vực để thùng rác (thông thường ở cửa soát vé). Nhằm đảm bảo cho việc phân loại rác đúng quy định, khi vứt rác, bạn cần lưu ý xem các biểu tượng trên thùng rác, hoặc nhìn vào thùng xem thế nào. Thường thì ở những nơi công cộng như ga tàu thì rác chỉ được phân thành loại đốt được (ví dụ: giấy báo…) và không đốt được (ví dụ tất cả các loại nhựa, túi nilon là không đốt được), hoặc có thùng rác riêng cho chai nhựa. Bạn lưu ý tuyệt đối không được vứt rác vào các thùng rác bên cạnh các máy bán hàng tự động nhé! Các thùng rác đó chỉ dành cho chai nhựa hoặc lon mà thôi.
Với những thông tin trên đây, có lẽ bạn cảm thấy khá phức tạp và khó nhớ. Giả sử bạn không thể nhớ hết các “thể loại” văn hóa này thì bạn chỉ cần nhớ: ở Nhật người ta xếp hàng ở mọi nơi và làm phiền người xung quanh là tối kỵ. Yên tâm là chỉ một thời gian ngắn sau đó, bằng việc phải thực hành với nề nếp này hằng ngày, bạn sẽ học được lối ứng xử đẹp đẽ của người Nhật đấy.